Động lòng thương, họ chia cho thức ăn đỡ dạ, rồi dẫn về bộ lạc.
Đó là nhóm người còn sót lại của một bộ lạc ở phía Đông.
Do ở cố hương không thể tìm được thức ăn, bọn họ đành dắt dìu nhau đi từ nơi này sang nơi khác, tình cờ đến được Thiên Sơn.
Đói rét đã khiến đại đa số tộc nhân chết dần trên đường lưu lãng.
Tình cảnh bọn họ còn thảm hơn Phục Hy thị trước đây.
"Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi", bộ lạc đã thu nhận bọn họ.
Và từ bọn họ, Phục Hy thị lần đầu tiên biết được tình cảnh của các bộ lạc bên ngoài.
Gia nhập bộ lạc, bọn họ không còn lo đói nữa, nhưng vẫn bị cái lạnh uy hiếp.
Bọn họ không như Phục Hy thị tộc nhân, vốn đã quen với cái lạnh của Thiên Sơn.
Y phục bằng da thú không đủ sức làm giảm bớt cái lạnh khắc nghiệt của thời bấy giờ.
Rồi một hôm, một vị trưởng lão trong bộ lạc nhìn thấy số lông vũ còn sót lại trong góc động, chợt nảy ra ý định dùng lông vũ kết thành y phục.
Thế là áo lông ra đời.
Toàn bộ lạc đều rất ưa thích loại y phục mới này.
Theo sử cũ, loại lông vũ đó là của huyền điểu, nên loại chim này sau cũng trở thành linh vật của bộ lạc.
Không chỉ dừng lại ở đó, vị nữ trưởng lão kia còn hướng dẫn tộc nhân xếp đá che chắn bớt cửa động, để ngăn gió tuyết.
Với những tảng đá quá lớn, họ đã biết luyện đá bằng cách đốt nóng cho đá tự vỡ ra (có lẽ là kinh nghiệm sau khi họ dùng đá kê lại thành bếp, đốt nóng lâu đá bị vỡ ra).
Những hang động được che chắn như thế sau được gọi là Oa, và vị nữ trưởng lão kia được tôn xưng là Nữ Oa.
Chú : Huyền điểu là một loài chim nhỏ, lông đen, tương tự như loài quạ đen ngày nay.
Tuy nó không đẹp, nhưng người thời đó chất phác, có ích thì tôn trọng.
Thời đại đó người Việt vẫn xem là Phục Hy thị, còn người Hán gọi là Thiếu Hạo, và xem là em của Thái Hạo.
Người Hán còn đổi linh vật huyền điểu thành phượng hoàng là loài chim đẹp hơn (người Hán vẫn công nhận rằng ban đầu linh vật của Thiếu Hạo là huyền điểu, nhưng vào cuối thời Thiếu Hạo thì được đổi thành phượng hoàng - loài chim chỉ có trong truyền thuyết).
Phần tiếp : Đại di dân.
Updated 882 Episodes